TRƯỜNG THCS LƯƠNG THẾ VINH TỔ CHỨC HỌC TẬP QUA DI SẢN TẠI ĐỊA PHƯƠNG: TIẾT HỌC BIÊN CƯƠNG
Đăng ngày: 11/11/2024
Ngày 10/11/2024, trường THCS Lương Thế Vinh tổ chức học tập qua di sản tại địa phương với chủ đề “Tiết học biên cương” cho học sinh khối 6,7 tại cửa khẩu Thanh Thủy, Điểm cao 468 – Vị Xuyên, Bảo tàng tỉnh Hà Giang. Đây là một hoạt động thiết thực, bổ ích và đầy ý nghĩa trên đang được lan toả tại các huyện, xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Qua những tiết học này, đã giúp cho các em học sinh có thêm những kiến thức thực tế, đồng thời vun đắp tình yêu với quê hương, Tổ quốc.
Tại cửa khẩu Thanh Thủy, các em học sinh được trực tiếp quan sát, lắng nghe các “thầy giáo” quân hàm xanh giảng giải về đường tuần tra, cột mốc biên giới, khu kiểm soát người, phương tiện ra qua lại trên biên giới…Trực tiếp trải nghiệm, lắng nghe những kiến thức, những điều chưa có trong sách vở lại rất thiêng liêng và ý nghĩa đã vun đắp tình yêu quê hương, Tổ quốc và tiếp thêm động lực cho các em học tập, hiểu thêm về những hy sinh, cống hiến của các thế hệ cha anh.
Tại Đền thờ các Anh hùng liệt sỹ trên điểm cao 468, xã Thanh Thuỷ, huyện Vị Xuyên, thầy và trò đã được nghe hướng dẫn viên thuyết minh về trận chiến lịch sử, được nghe giới thiệu về “Cửa tử bình độ 1.100, lò vôi thế kỷ, cối xay thịt 685” và xa hơn là 1509, nơi nhiều người lính đã nằm lại với Đất Mẹ trong cuộc chiến đấu kiên cường năm xưa. Mỗi học sinh đều cảm thấy xúc động, biết ơn các thế hệ cha anh đã anh dũng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Bảo tàng tỉnh Hà Giang là điểm đến sau cùng của chuyến đi. Tại Bảo tàng, các em học sinh được tham quan, nghe thuyết minh về lịch sử, văn hóa của nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang.
Hành trình học tập qua di sản tại địa phương với chủ đề “Tiết học biên cương” của khối 6,7 đã khép lại vô cùng ý nghĩa. Qua đây, đã giúp cho các em học sinh thêm những kiến thức thực tế, đồng thời vun đắp tình yêu với quê hương, Tổ quốc, tiếp thêm động lực cho các em phấn đấu học tập để có thể trở thành những công dân có ích.
Một số hình ảnh của chuyến đi:
Bài và Ảnh: Đặng Hà